So với các chức sắc trong hệ thống tôn giáo Bàlamôn, các Acar trong hệ thống chức sắc tôn giáo Bàni ở Ninh Thuận đều có vai trò quan trọng. Người lãnh đạo tối cao trong mỗi thánh đường chỉ một người duy nhất là Po Gru (gọi là Sư Cả, cấp bậc cao nhất trong hệ thống chức sắc tôn giáo Bàni).

Đôi nét về hệ thống chức sắc trong tôn giáo người Chăm Bàni Ninh Thuận

Cũng như người Chăm theo Bàlamôn giáo và Hồi giáo Islam. Người Chăm theo Bàni giáo ở Ninh Thuận có một hệ thống tôn giáo tín ngưỡng chặt chẽ với những giáo lý mang tính ràng buộc nhằm hướng tín đồ trong cộng đồng sống đúng, đẹp, ý nghĩa với văn hóa của dân tộc.

Theo tập tục trong tín ngưỡng Bàni giáo ở Ninh Thuận thì mỗi dòng họ người Chăm Bàni cần có tối thiểu một tu sĩ để thực hiện các nghi lễ trong gia đình, cũng như trong dòng tộc theo nghi thức tôn giáo.

Đồng thời là người đại diện của một dòng họ để truyền tin, ngoại giao, giải quyết cả các vấn đề liên quan về tôn giáo trong một dòng họ nói riêng và trong cộng đồng nói chung.

Các chức sắc Bàni đang làm lễ tại Ghur (mộ) trong ngày lễ Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)
Các chức sắc Bàni đang làm lễ tại Ghur (mộ) trong ngày lễ Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)

Để công nhận và trở thành tu sĩ, đứng trong hàng ngũ Bàni giáo thì vị tu sĩ này phải hội đủ các điều kiện về đạo đức, thể chất, thể trạng như không bị dị tật, khuyết tật, dị hình. Quan trọng phải là người đã qua lễ Katat (lễ cắt da quy đầu, chính thức trở thành tín đồ tôn giáo Bàni), đã cưới cưới vợ (là người cùng đạo), …  cùng với đó là một số điều kiện cơ bản khác trong quy định của Bàni giáo.

So với các chức sắc trong hệ thống tôn giáo Bàlamôn, các Acar trong hệ thống chức sắc tôn giáo Bàni ở Ninh Thuận đều có vai trò quan trọng. Người lãnh đạo tối cao trong mỗi thánh đường chỉ một người duy nhất là Po Gru (gọi là Sư Cả, cấp bậc cao nhất trong hệ thống chức sắc tôn giáo Bàni).

Các chức sắc Cấp Acar và Ong Mâdin đang làm lễ trong tại mỗi ghur của từng dòng họ (Ảnh: Jamen Ivan)
Các chức sắc Cấp Acar và Ong Mâdin đang làm lễ trong tại mỗi ghur của từng dòng họ (Ảnh: Jamen Ivan)

Trong mỗi thánh đường Bàni có một ban lãnh đạo do các tu sĩ và những tín đồ trong cộng đồng có uy tín bầu ra để phụ trách những công việc chung của đạo cũng như của tín đồ.

Có một điều nhất quán trong ban lãnh đạo thánh đường này là các việc quan trọng đều do Po Gru (Sư Cả) quyết định sau. Quyết định này được lấy từ số đông ý kiến trong ban lãnh đạo thánh đường, sau đó sẽ truyền đạt rộng rãi đến cho tất cả các tu sĩ và tín đồ trong cộng đồng.

Bên cạnh những công việc kể trên, ban lãnh đạo thánh đường trong hệ thống chức sắc tôn giáo Bàni còn là bộ phận giải quyết, xử lý hầu hết những vấn đề trong làng, kể cả việc đạo lẫn việc đời. Điều này nói lên tính tự quản rất cao trong hệ thống tôn giáo cộng đồng người Chăm Bàni.

Các cấp bậc trong hệ thống tôn giáo người Chăm Bàni Ninh Thuận

Tầng lớp tu sĩ Bàni giáo ở Ninh Thuận được gọi chung là Acar (khác với người Chăm Bàlamôn, các chức sắc gọi là Basaih) từ hàng giáo phẩm thấp nhất đến cao nhất, được tổ chức một cách chặt chẽ trong phạm vi từng thôn (từng thánh đường) với năm cấp bậc ứng với từng nhiệm vụ riêng biệt gồm: cấp Acar, cấp Mâdin, cấp Katip, cấp Iman và cấp Po Gru (Cả Sư).

Các cấp này mỗi khi được thụ lễ, tấn phong đều được tổ chức long trọng theo nghi thức tôn giáo. Điều kiện để được tôn chức là phải có vợ trong ngày tấn phong, tuy nhiên người vợ phải nhất định trước hoặc sau thời kỳ kinh nguyệt, quan trọng hơn là không phải thời gian mang thai.

  • Cấp Acar

Như đã nói trên, Acar là từ để chỉ chung cho toàn bộ hệ thống chức sắc đạo Bàni, vừa là chức sắc có cấp bậc thấp nhất trong hàng tu sĩ Bàni. Thông thường lễ cấp sắc Acar được tiến hành trong tháng chay trịnh Ramưwan (cuối tháng 8 đầu tháng 9 Chăm lịch).

Khi thọ cấp bậc này, vị tu sĩ phải trải qua các điều kiện khắt khe ban đầu với những điều kiện, quy định bắt buộc trong hệ thống chức sắc tôn giáo Bàni. Sau đó sẽ bắt đầu tu học các giáo điều, giáo lệ, cách tổ chức và thực hiện các nghi lễ, nghi thức cơ bản trong dòng họ và thánh đường đối với cấp Acar … tùy theo khả năng và thời gian tu tập của bản thân mà tu sĩ cấp Acar sẽ được tấn phong và thọ cấp bậc tiếp theo là Ong Mâdin.

Tu sĩ cấp Acar trong hệ thống chức sắc Bàni giáo (Ảnh: Jamen Ivan)
Tu sĩ cấp Acar trong hệ thống chức sắc Bàni giáo (Ảnh: Jamen Ivan)
  • Cấp Ong Mâdin

Sau quá trình thọ cấp Acar. Vị tu sĩ sẽ được hội đồng chức sắc tôn giáo Bàni nhìn nhận, đánh giá và khi đã đạt đầy đủ điều kiện thì tu sĩ cấp Acar sẽ bước tiếp tục thọ cấp Mâdin (Ong Mâdin).

Cũng như cấp Acar, cấp Ong Mâdin có nhiệm vụ thực hiện một số nghi lễ tại thánh đường và tư gia. Tuy nhiên, tại cấp này vị tu sĩ sẽ được chọn vào Ban lãnh đạo thánh đường để thực hiện nhiều công việc khác.

Một chức sắc Chăm Bàni cấp Cấp Katip (Ảnh: Jamen Ivan)
Một chức sắc Chăm Bàni cấp Cấp Katip (Ảnh: Jamen Ivan)
  • Cấp Katip

Qua cấp Mâdin sẽ đến cấp Katip (Ong Katip). Không khác gì mấy với cấp Ong Mâdin, Ong Katip có nhiệm vụ thực hiện một số nghi lễ tại thánh đường và tư gia, tuy nhiên lượng nghi lễ sẽ thực hiện nhiều hơn Ong Mâdin. Đặc biệt, khi từ Ong Mâdin lên Ong Katip, vào trưa thứ sáu thánh lễ của Hồi giáo tại thánh đường, Ong Katip sẽ là người thực hiện công việc giảng giáo lý .

  • Cấp Imam

Imam là người điều khiển các buổi lễ vào trưa thứ sáu của Hồi giáo. Trong đạo giáo Bàni, Imam là tu sĩ đã trải qua hơn 15 năm hành đạo và được xem là đã thuộc hết kinh thánh Koran và có khả năng thực hiện được tất cả nghi lễ trong đạo.

Trong số các Imam, những người có khả năng, có đạo đức và khá giả về mặt kinh tế được chọn để làm lễ ra mắt 40 vị thánh của Hồi giáo và được gọi là “Imam pak pluh” (Imam 40).

Nghi thức lựa chọn thụ chức Imam pak pluh rất khắt khe và phải được tập thể hay hội đồng chức sắc, nhất là các Po Gru trong khu vực chấp nhận và mỗi năm chỉ có một hoặc hai ngày có thể tổ chức lễ thụ chức theo quy định của đạo giáo Chăm Bàni.

Chức sắc Bàni làm lễ trong tháng chay tịnh Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)
Chức sắc Bàni làm lễ trong tháng chay tịnh Ramưwan (Ảnh: Jamen Ivan)
  • Cấp Po Gru (Sư Cả)

Po Gru (hay còn gọi là Sư Cả), là chức vị cao nhất và duy nhất trong một thôn hay một thánh đường của Hồi giáo Bàni. Po Gru là người quyết định hầu hết các vấn đề về đạo và đời trong thôn của người Chăm Bàni.

Để thọ được cấp Po Gru, vị tu sĩ khi còn Imam phải thuộc lầu đầy đủ các nghi thức, nghi lễ, có thể điều hành, thực hiện được tất cả công việc từ nhỏ đến lớn trong thành đường và cộng đồng. Và khi được thọ cấp, được tấn phong cấp Po Gu thì phải được sự đồng thuận, chấp nhận của hội đồng chức sắc trong cộng đồng, có sự tham gia, chứng kiến của tất cả các chức sắc của các cấp và cộng đồng, tín đồ Bàni giáo một thánh đường hay làng đó.

Khi hoàn thành lễ thụ phong, Po Gru chính là người duy nhất chọn ngày tháng để tiến hành tổ chức các lễ cúng tại tư gia, điều hành tất cả các nghi lễ trong đạo với sự phối hợp và hỗ trợ chặt chẽ của các thầy lễ.

Không những vậy, Po Gru còn là người thực hiện các nghi lễ đặc biệt của cộng đồng như lễ cầu đảo, lập làng, lập thánh đường và một số lễ quan trọng khác ở trong làng và khu vực của người Chăm Bàni.

Với sự xuất hiện một tầng lớp tu sĩ được hệ thống theo một nguyên tắc, luật lệ thế này đã phần nào nói lên đặc điểm mang tính đặc thù của Hồi giáo người Chăm Bàni ở Ninh Thuận, qua đó phản ánh ảnh hưởng của Bàlamôn giáo đối với Hồi giáo trong quá trình phát triển trong cộng đồng người Chăm.

Những quy định trong hệ thống tôn giáo người Chăm Bàni Ninh Thuận

Không chỉ là điều kiện khắt khe để được trở thành một vị tu sĩ đứng trong hàng ngũ chức sắc của tôn giáo mà khi chính thức trở thành tu sĩ (Acar) phải tuân thủ tuyệt đối những quy định bắt buộc của tôn giáo.

Tiêu biểu là khi đã đứng trong hàng ngũ chức sắc, vị tu sĩ dù ở cấp bậc nào thì trong những ngày diễn ra lễ Ramưwan phải kiêng ăn, kiêng uống trong 3 ngày đầy. Đặc biệt là không được hút thuốc vào ban ngày, nhất là vào giữa khoảng thời gian mặt trời mọc và lặn.

Sau khi mặt trời đã lặn thì được phép ăn uống bình thường. Những ngày tiếp theo 3 ngày đầu thì không phải kiêng ăn uống vào ban ngày nhưng phải kiêng ăn thịt cho đến hết tháng Ramưwan.

Trang phục cấp Imam trong hệ thống chức sắc Chăm Bàni (Ảnh: Jamen Ivan)
Trang phục cấp Imam trong hệ thống chức sắc Chăm Bàni (Ảnh: Jamen Ivan)

Ngoài ra, Acar kiêng ăn thịt heo, thịt chó, thịt dông, thịt các động vật bị chết, chỉ ăn một số thịt động vật chính ông Acar tự tay cắt cổ.

Về trang phục, khi mới nhập môn trong một tháng đầu, Acar chỉ mặc Aw Luak (áo chui đầu), trong nghi lễ nhập môn có nghi lễ xuống tóc do Imam thự hiện gọi là lễ Ngap Pabah patrun mbuk limâ Acar (lễ cạo tóc vào Acar), sau đó trở đi thì mặc Aw taok (áo truyền thống có nút cài 3 cái) như các cấp khác trong hệ thống Acar. Ở cấp này, trang phục chỉ có khác là đầu bịt khăn không có tua màu đỏ, không đeo Kadung (túi đeo trên cổ hệ thống Acar).

Xong cùng với những điều này, người tu sĩ Bàni trong sinh hoạt hàng ngày phải chuyên tâm tu tập, học hành liên tục nhằm hướng đến cấp bậc cao nhất. Tuyệt đối, không được mắt phải bất kỳ sai lầm nào về điều lệ của tôn giáo đối với tu sĩ, nhất là trộm cắp, lừa dối, ngoại tình, … những thứ mà đi ngược lại với đạo đức của đạo và của văn hóa cộng đồng.

Khamphaninhthuan.com

Ảnh: Jamen Ivan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *