Người Chăm quan niệm đời người có ba lần sinh. Được sinh ra từ trong bụng mẹ là lần thứ nhất. Cưới hỏi là lần sinh thứ hai và khi mất đi bước vào thế giới tâm linh, đoàn tụ với ông bà tổ tiên là lần sinh cuối cùng. Vậy, tập tục sinh đẻ của người Chăm khác gì với người Việt? Hãy cùng khamphaninhthuan.com tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Tập tục sinh đẻ của người Chăm Ninh Thuận

Đứng trên một góc độ nào đó thì tập tục sinh đẻ của người Chăm có nét tương đồng với tập tục sinh đẻ của người Việt (Kinh). Cũng đi nhờ bà mụ đỡ đẻ, làm lễ cúng bà mụ, cúng ông bà tổ tiên cầu mong cho sản phụ sinh đẻ được thuận lợi.

Trong quá trình sản phụ sinh đẻ, nuôi con thì trong nhà cũng treo các nhánh xương rồng ngoài cổng để ra hiệu nhà vừa có một sinh linh ra đời.

Sản phụ sau khi sinh cũng nằm lửa, cũng kiêng, cũng kỵ nhiều điều trong quan niệm, tín ngưỡng. Tuy nhiên, có một chút khác biệt là khi đứa trẻ trưởng thành, là lúc chính thức trở thành tín đồ của đạo mình, là lúc đáp ứng đầy đủ điều kiện để dựng vợ, gả chồng.

Trước khi sinh

Trong tập tục sinh đẻ của đồng bào Chăm Ninh Thuận, trước khi thai phụ sinh gia đình sẽ đi nhờ bà mụ đỡ đẻ và thực hiện nghi lễ cúng bà mụ (tiếng Chăm gọi là Mâlieng muk buai).

Để thực hiện nghi lễ này, gia đình chuẩn bị một tấm vải trắng (khăn Chăm), một khay trầu cau, rượu, một bát gạo, trứng gà và bánh ngọt. Sau đó mời bà mụ đến và tổ chức tại nhà.

Mục đích của lễ này là cầu tổ cho bà mụ đỡ đẻ suôn sẻ, cầu cho người mẹ dễ sinh đẻ và cầu thần tổ phù hộ cho bà mụ làm tốt công việc đỡ đẻ của mình.

Tiếp nối nghi lễ cúng bà mụ, đồng bào thực hiện lễ Ikak tamrak – cột chì và Tathauh drei jan – tẩy uế thân thể, giải hạn khi gặp năm không lành. Trong lễ này đồng bào kiêng không cho chồng của thai phụ sát sinh, nói các từ tiêu cực nhằm tránh điềm xấu.

Cũng trong lễ này người ta chuẩn bị làm chòi riêng, làm giường tre (giường này sau khi sản phụ sinh con được một tháng sẽ đốt đi) cho thai phụ.

Sau quá trình sinh của sản phụ, người nhà sẽ làm một mâm lễ hoành tráng với nhiều lễ vật và bưng sang nhà bà mụ để tạ ơn.

Chân dung một bà Mụ đỡ đẻ (Ảnh: Jamen Ivan)
Chân dung một bà Mụ đỡ đẻ (Ảnh: Jamen Ivan)

Giai đoạn sinh

Đến ngày đến tháng, thai phụ sẽ bước vào khoảng thời gian sinh nở. Ngày trước khi còn sinh ở nhà, sản phụ khi đẻ thường đẻ ngồi, đầu và lưng tựa về hướng Bắc, quay mặt về hướng Nam để hài nhi khi lọt lòng sẽ quay đầu về hướng Nam.

Khi đẻ, hai tay sản phụ vịn vào cột chòi hoặc tay người thân, phía sau là bà mụ (muk grang) đỡ lưng. Khi đứa trẻ ra đời, bà mụ cầm hai chân dốc ngược để nước ối chảy ra, móc nước ối trong mũi, miệng đứa bé rồi nhỏ nước chanh làm vệ sinh cho đứa bé.

Sau khi sinh

Sau khi sinh, nhau con trai chôn phía mặt trời mọc, con gái thì ngược lại. Bà mẹ nằm lửa khoảng một tháng. Đặc biệt, trong nhà có sản phụ mới sinh, người Chăm treo 2 chiếc nồi nhỏ có ba vạch vôi hay 2 nhánh xương rồng ở cổng (con trai 7 ngày, con gái 9 ngày) và đốt giữa sân nhà để báo hiệu nhà có người mới sinh. Ngoài ra, người Chăm còn đốt lửa giữa sân, vừa sáng tránh tà ma vừa giữ vệ sinh.

Đứa trẻ được một tháng tuổi, gia đình sẽ làm lễ Akhan prauk (cúng đầy tháng Palau Yang) – lễ trình tổ tiên, xác nhận một sinh linh mới trong gia đình, tộc họ. Lúc này đứa trẻ cần có một tên gọi ở nhà, có khi khác trên khai sinh.

Khi đặt trên, đồng bào kiêng không đặt tên trùng với tên của Thần Yang và tên của những người trong họ. Nếu trẻ hay đau ốm, người Chăm còn có lễ Buh kaung – mang vòng giao hồn vía cho thầy pháp, sau này (khoảng 18 tuổi) lớn lên khỏe mạnh thì làm lễ Tauh kaung – tháo vòng, nếu không thì Thraiy kađaung kaung tawak – nợ mắc vòng mang.

Đứa trẻ trong bộ trang phục truyền thống người Chăm Bàlamôn (Ảnh: Jamen Ivan)
Đứa trẻ trong bộ trang phục truyền thống người Chăm Bàlamôn (Ảnh: Jamen Ivan)

Trưởng thành

Khi đứa trẻ trưởng thành (năm 15 tuổi), gia đình sẽ làm lễ trưởng thành cho đứa bé. Riêng về nghi lễ này, mỗi cộng đồng sẽ có từng nghi lễ khác nhau để phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

Cụ thể, lễ trưởng thành của người Chăm Bàlamôn là cái cột mốc để đứa trẻ đó nhập đạo thánh tín đồ Bàlamôn.

Đối với những đứa trẻ đã làm lễ tra còng bán khoán cho ông thầy, khi đến 18 tuổi phải làm lễ tháo còng (Taoh kaong). Nếu không làm lễ này, đứa trẻ sẽ mang nợ (người Chăm gọi là Thraiy kandaong tawak) có nghĩa là “nợ vướng còn mang”. Khi sắp lặp gia đình, cha mẹ phải đến trình với tộc trưởng làm lễ cúng Auen Praok.

Với cộng đồng người Chăm Bàni thì lễ trưởng thành là lúc đánh dấu tuổi trưởng thành, được lập gia đình, giống như lễ thành đinh, cũng là thời điểm đánh dấu trở thành tín đồ Bàni và đặt tên thánh.

Đến tuổi trưởng thành, thầy Acar làm lễ “cắt bao quy đầu” (tượng trưng) cho con trai (lễ Katat), thầy Cả (Ong Gru) lam lễ “cắt tóc, cấm phòng” cho con gái khi đủ 15 tuổi.

Ngày nay, ở một số vùng Chăm còn duy trì lễ cúng gà khi đứa trẻ 15 tuổi, thần được cầu cúng là Po Auluah (tiếng Chăm gọi là 15 thun ngap bal huak mânuk ka Po Auluah).

Khamphaninhthuan.com

Ảnh: Jamen Ivan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *