Con trai Chăm có được lấy vợ là con gái Việt? Con gái Việt có được lấy chồng là con trai Chăm? Đó là những câu hỏi được nhiều người nhắc đến trong những cuộc trao đổi, trò chuyện về vấn đề văn hóa, lịch sử Chăm xưa và nay. Vậy, con trai Chăm có được lấy con gái Việt và con trai Việt có được lấy con gái Chăm? Để trả lời cho những câu hỏi này, khamphaninhthuan.com xin mời bạn cùng tìm hiểu vấn đề hôn nhân Chăm việt xưa và nay.
- Xem thêm: Kinh nghiệm đặt phòng khách sạn Ninh Thuận GIÁ RẺ NHẤT
- Xem thêm: Tổng hợp chùm tour Ninh Thuận GIÁ TỐT NHẤT THỊ TRƯỜNG
- Xem thêm: Dịch vụ xe du lịch tham quan Ninh Thuận & đưa đón sân bay Cam Ranh GIÁ RẺ NHẤT
Hôn nhân Chăm – Việt
Dựa theo tiến trình lịch sử của dân tộc, chúng ta không gì chối cãi rằng trên dải đất miền Trung đã từng tồn tại vương quốc Champa. Một vương quốc có lãnh thổ kéo dài từ đèo Ngang đến phía bắc sông Đồng Nai ngày nay. Tuy nhiên, vương quốc này lại chia thành nhiều tiểu quốc nhỏ và mỗi tiểu quốc lại đặt quyền cai trị riêng không thống nhất với nhau. Chính vì điều này khi Đại Việt hùng mạnh và bắt đầu hành trình Nam tiến, các tiểu quốc nhanh chóng bị bình định và sáp nhập vào Đại Việt.
Vậy, khi bình định được Champa, binh sĩ Việt có lấy phụ nữ Chăm làm vợ không? Nếu có thì đây có phải là cách để vua Việt thực hiện chính sách đồng hóa người Chăm? Và nếu có thì dựa theo phong tục tập quán của văn hóa Chăm người Việt có chấp nhận không hay sẽ như thế nào?
Thật khó để có thể trả lời những câu hỏi này. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta nên biết trong lịch sử đã từng xảy ra nhiều cuộc hôn nhân của vua Chăm và công chúa Việt. Minh chứng cho điều này có thể nói đến hai cuộc hôn nhân lịch sử vào thế kỷ XIV (Huyền Trân công chúa gả cho vua Chế Mân năm 1306) và XVII (công nữ Ngọc Khoa gả cho vua Po Rome 1631).
Hai cuộc hôn nhân ban đầu đều thắm tình hữu nghị nhưng về sau lại là một sự bi thương, tàn khốc.khi vua Chăm băng hà, công chúa Việt đều tìm cách bỏ trốn về đất nước (câu chuyện Trần Khắc Chung vào Champa giải thoát cho công chúa Ngọc Hân). Bởi lẽ, theo tục của người Chăm, khi chồng chết thì vợ sẽ chết theo. Điều này đã được sử liệu ghi chép rất rõ và không gì chối thể chối cải.
Thế, kết quả của những cuộc hôn nhân này như thế nào? Và liệu rằng, đây có phải là cái cớ để Champa và Đại Việt thường xuyên giao tranh với nhau? Để giải đáp trong vấn đề này, phần “những cuộc hôn nhân Chăm – Việt trong lịch sử” dưới đây sẽ giải đáp.
Những cuộc hôn nhân Chăm – Việt trong lịch sử
Dựa theo nội dung trong sách “Văn hóa Chăm – nghiên cứu và phê bình” của tác giả Trương Văn Món với bút danh Sakaya. Một quyển sách đúc kết từ những tư liệu ghi chép trong cả lịch sử Chăm và Việt. Theo đó, tác giả viết:
“Trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã xảy ra hai cuộc hôn nhân Chăm – Việt đáng chú ý. Đó là cuộc hôn nhân của vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) và Huyền Trân Công Chúa diễn ra vào thế kỷ XIV (năm 1306). Cuộc hôn nhân thứ hai là của vua Po Rome và công chúa Ngọc Khoa vào thế kỷ XVII (năm 1631). Cả hai cuộc hôn nhân này đều mang thắm tình hữu nghị Chăm – Việt nhưng hồi cuối lại trở thành bi kịch của lịch sử.
Đầu tiên là cuộc hôn nhân của Vua Jaya Sinhavaman (Chến Mân) và Huyền Trân công chúa. Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài trong vòng một năm rồi vua Chăm mất mà không rõ lý do. Sau đó Huyền Trân công chúa lại không chịu tang chồng mà tìm cách trốn về Đại Việt cùng với tình cũ là Trần Khắc Chung.
Tiếp theo cuộc hôn nhân của Vua Po Rome và công chúa Ngọc Khoa. Cuộc hôn nhân này kéo dài lâu hơn nhưng rồi Ngọc Khoa bị lịch sử Chăm kết tội là gián điệp gây tai họa cho Champa. Cuối cùng theo truyền thuyết, công chúa Ngọc Khoa bị vua Po Rome đạp chúi đầu xuống một cánh đồng hoang vắng. Về sau nơi đây trở thành một tảng đá màu trắng nằm ở cánh đồng Vụ Bổn (Hamu Bruh) gần tháp po Rome (Ninh Thuận) mà không ai thờ phượng.
Trong lịch sử Chăm – Việt, không chỉ có hai cuộc hôn nhân trên mà trong quá trình Nam Tiến của Đại Việt, từ Đèo Ngang cho đến Bình Thuận còn xảy ra nhiều cuộc hôn nhân.
Minh chứng là sau khi bình định Champa xong (vùng Đà Nẵng – Huế – Bình Định). Những binh sĩ Đại Việt không trở về quê hương của mình mà ở lại Champa cưới vợ rồi sinh con đẻ cái cho đến ngày nay. Binh sĩ Kinh lấy vợ Chăm quá nhiều đến nỗi vua Đại Việt phải ra chỉ dụ cấm đoán. Vấn đề này được sách xử Việt Nam xác nhận: Hiến Tông Hoàng Diệu Đế, Kỉ Mùi năm thứ 2 (1499) (Minh Hoàng trị 12), tháng 8 ngày mùng 9 có viết rằng: “Từ này trở đi, trên từ nhân vương, dưới từ nhân dân, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ để cho phong tục được hậu”.
Chắc có lẽ, vì lý do trên mà ngày nay người Chăm ở Huế, Đà Nẵng, Bình Định…, ngoài một số bị chết chóc trong chiến tranh, số còn lại bị lai hết người Kinh nên không còn dấu vết gì là người Chăm chăng?
….
Đôi điều nhận định về những cuộc hôn nhân Chăm – Việt trong lịch sử
Qua những ghi chép mà Trương Văn Món đã thể trong sách với nội dung “vấn đề hôn nhân Chăm – Việt” thì có thể khẳng định hôn nhân Chăm – Việt chính thức bắt đầu từ dòng giỏi vua vương của Champa và Đại Việt. Sự bắt đầu này đã vô tình tạo ra nhiều cuộc hôn nhân của binh sĩ người Việt và phụ nữ Chăm. Điều này đã minh chứng rõ khi Đại Việt chính thức bình định các vùng Inraputa (Huế – Thanh Hóa), vùng Amavati (Quảng Nam – Đà Nẵng) và vùng Vijaya (Bình Định). Vậy, những yếu tố này có ảnh hưởng gì đến những cuộc hôn nhân Chăm – Việt ngày nay?
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, khamphaninhthuan.com mời bạn tiếp tục đến với nội dung của tác giả trong phần “hôn nhân Chăm Việt ngày nay”.
Hôn nhân Chăm – Việt ngày nay
Tiếp nối lịch sử, ngày nay, sự hôn nhân giữa Chăm – Việt còn thấy phổ biến ở Phan Rí (Bình Thuận) mà sản phẩm của hôn nhân hợp chủng này do đàn ông người Việt lấy vợ Chăm cho ra đứa con lai đới thứ nhất, đời thứ hai, đời thứ ba mang hai dòng máu Việt Chăm gọi là Kinh Cựu.
Riêng ở vùng Chăm Phan Rang, hiện tượng hôn nhân hỗn hợp này chưa phổ biến, vì vùng Chăm này vẫn còn lưu tục Adar của họ rất nghiêm khắc. Luật tục (Adar) Chăm cấm đoán sự hôn nhân ngoại tộc, chẳng những cấm đoán Chăm Ahier (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) kết hôn với Chăm Bàni và Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo) mà cấm hẳn người Chăm kết hôn với người Kinh.
Tuy nhiên, ở vùng Chăm Phan Rang, hôn nhân ngoại tộc cũng đã xảy ra một số trường hợp. Riêng hôn nhân giữa người Chăm Ahier và Chăm Bani xảy ra tính đến nay đã có hơn 40 đôi. Họ lập gia đình, sinh con đẻ cái làm ăn, sinh sống nhưng rất khó khăn trong việc sinh hoạt cộng đồng theo luật tục (Adat) như nếu trên.
Riêng người Chăm kết hôn với người Kinh, nếu tính từ thời Pháp thuộc đến nay chỉ xảy ra đối với đàn ông Chăm lấy vợ người Kinh. Trường hợp này không phổ biến, chỉ xảy ra khoảng 50 trường hợp, đa số là những trí thức Chăm, vì họ có điều kiện đi học, đi làm công sở với người Kinh, sau đó lấy vợ Kinh. Cụ thể là những cá nhân và gia đình trí thức Chăm sau đây có người thân là anh em hoặc con cháu mình có vợ hoặc chồng là người Kinh như Quảng Đại G, Quảng Đại H, Quảng Văn I, Nguyễn Văn K, Phú L, Thành M, Thành Văn N, Chế S, Từ Công T, Sử Thị U, Mã Đình V, Lâm Văn Y, và nhiều người khác nữa không thể kể hết ở đây.
Riêng trường hợp con gái Chăm lấy chồng người Kinh ở vùng Chăm Phan Rang trước 1975 rất hiếm nhưng hiện nay đã xuất hiện rải rác ở các làng Chăm như Văn Lâm (Palei Ram), Thành Tín (Palei Cuah Patinh), Mỹ Nghiệp (Palei Caklaing) và Hiếu Lễ (Palei Caok), v.v … Trong đó, đáng chú ý là ở làng Thành Tín có con gái của tu sĩ Po Acar (tu sĩ Chăm Bani ảnh hưởng Hồi giáo) và làng Bầu Trúc có con gái của tu sĩ Basaih (tu sĩ Chăm Ahei – ảnh hưởng Chăm Bàlamôn) cũng lấy chồng người Kinh.
Những cặp hôn nhân Chăm – Kinh trên là hôn nhân không cùng sắc tộc, khác tôn giáo, khác văn hóa. Tất cả họ đều có lý do riêng. Tuy nhiên, vấn đề là họ sinh sống, thích nghi và hòa nhập với cuộc sống trong cộng đồng người Kinh hoặc hoặc người Chăm ra sao? Con cái họ sẽ như thế nào trong gia đình hợp chủng này? Kết quả này chưa có dự án nghiên cứu và cho số liệu cụ thể. Tuy vậy, ngày nay mọi người đều nhận thấy, theo luật tục (adat) Chăm đa số đàn ông người Chăm khi lấy vợ người Kinh đều thoát ly quê Chăm.
Họ mất đi quyền lợi và nghĩa vụ trong gia đình và cộng đồng của mình như không được tham gia cúng lễ trong gia đình, tộc họ; không được tắm rửa thi hài cho cha mẹ để báo hiếu; khi tuổi về già hoặc chết, thân xác của họ được đưa về cho người thân, họ hàng Chăm làm đám tang và dĩ nhiên, cuối cùng linh hồn của họ không được nhập Kut chính – nghĩa địa của tộc họ mẹ mà chỉ nhập và Kut phụ (Kut Lihin) đối với Chăm Ahier và nằm ở Takai Ghur đối vời Chăm Bani.
Riêng phụ nữ Chăm lấy chồng Kinh, họ cũng thoát ly quê Chăm theo chồng, họ giã từ chế độ mẫu hệ để về làm dâu xứ người với một tập tục, cách sinh hoạt gia đình, nghi lễ quan, hôn tang, tế khác hẳn với phong tục người Chăm.
Bản thân con dâu người Chăm thích ứng ra sao với môi trường văn hóa gia đình – xã hội người Kinh với hệ tư tưởng Nho giáo làm nền tảng? Đây là hiện tượng mới xuất hiện ở vùng Chăm Phan Rang trong vài năm trở lại đây. Vì vậy, chưa ai biết tương lai họ như thế nào? Chỉ biết rằng, trước mắt gia đình và cộng đồng Chăm mất đi những phụ nữ – những người đóng vai trò quan trọng việc hình thành và lưu giữ chế độ mẫu hệ Chăm trong suốt hàng ngàn năm lịch sử.
Chế độ mẫu hệ người Chăm, đi theo nó là cả một hệ thống nền tảng văn hóa gia đình – xã hội có tồn tại hay không là do phụ nữ quyết định. Đàn ông Chăm đi lấy vợ ngoại tộc là đã trái với đạo luật Chăm, nhưng ngày nay, phụ nữ Chăm lại bắt đầu bỏ cộng đồng mình đi lấy chồng người Kinh. Đây là dấu hiệu của sự suy thoái và tan rã của chế độ mẫu hệ Chăm trong tương lai nếu hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn.
Vấn đề hôn nhân không cùng dân tộc, khác tôn giáo là đối tượng nghiên cứu phổ biến của ngành dân tộc học và xã hội học ở các nước phát triển. Hiện tượng hôn nhân Việt – Chăm, Chăm – Việt cũng đang là mối quan tâm trong xã hội Chăm ngày nay và đã có một số tác giả như Phan Lạc Tuyên và Phan Xuân Biên đề cập trong những công trình nghiên cứu của họ.
Vì vậy, trong phạm vi bài này, chúng tôi tiếp tục đề cập và gợi mở nên những vấn đề mới, chuẩn bị cho những công trình nghiên cứu tiếp theo, cụ thể hơn, nhằm góp phần tìm hiểu hơn về trường hợp hôn nhân ngoại tộc đối với hệ thống hôn nhân và gia đình của người Chăm trong quá trình lịch sử cũng như trong xã hội hiện đại của một quốc gia đa dân tộc Việt Nam thống nhất.
Ngày nay trên thế giới hay nói cách khách là loài người tiến bộ đang đổ xô tìm về cội nguồn dân tộc để chứng minh và khẳng định sắc tố của dân tộc mình qua qua ngôn ngữ, trang phục, hệ thống gia đình – xã hội và nghi lễ hội hè hàng năm.
Đối với dân tộc Chăm, hiện nay nhờ chính sách Đảng – Nhà nước quan tâm cho nên xã hội Chăm đang dần phục hội những nghi lễ và hội hè. Tuy nhiên, đằng sau những nghi lễ, hội hè thì bên trong chứa đựng sự lai căng và suy thoái của gia đình và xã hội trên các lĩnh vực ngôn ngữ, trang phục và hôn nhân ngoại tộc.
Tuy nhiên, một điều trớ trêu thay, những trường hợp nêu trên đa số là rơi vào một số cá nhân và gia đình trí thức đang làm công tác bảo tồn văn hóa Chăm. Một số bộ phận trí thức khác mà chúng ta cũng đáng chú ý ở đây, đó là một số cán bộ, giáo viên, bác sĩ v.v … đó có chút ít kiến thức Việt học, ảnh hưởng một phần văn hóa ngoại lai, tiếp thu lối sống mới qua người Kinh cho nên họ không quan tâm gì đến văn hóa truyền thống Chăm.
Tất cả di sản văn hóa Chăm ngàn năm mà cha ông để lại, họ đều cho là lạc hậu, lỗi thời, cần phải dẹp bỏ, để rồi họ đua nhau nhắm mắt chạy theo văn hóa hiện đại một cách mù quáng. Lực lượng này đang góp phần cùng với những nhân tố tiêu cực khác của xã hội hiện đại làm biến đổi bản sắc văn hóa Chăm cũng như làm cản trở sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của người Chăm mà Đảng – Nhà nước Việt Nam đang phát động hiện nay.
Cuối cùng, lực lượng nông dân, trí thức, bản địa Chăm (Po Adhia, Basaih, Po Acar, Maduen, Gru Urang…) do họ ít tiếp xúc với người Kinh, với văn hóa hiện đại, cộng với kiến thức dân gian sẵn có cho nên tiếng nói của họ ít lai tiếng Việt, chữ viết của họ không bao giờ bị cải biên (có paok gak), gia đình của họ vẫn là gia đình vẫn là nề nấp theo mẫu hình văn hóa Chăm truyền thống. Đây mới là lực lượng chính yếu góp phần đắc lực cho sự nghiệp giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa Chăm ở Việt Nam mà chúng ta đáng phải quan tâm và chăm sóc.
Còn tiếp =>
Nguồn: Theo sách “Văn hóa Chăm – Nghiên cứu và phê bình” của tác giả Trương Văn Món – NXB Phụ Nữ.
Khamphaninhthuan.com
Ảnh: Hoang Linh
Ở Ninh Thuận có rất nhiều đôi hôn nhân giữa người Kinh và người Chăm. Và họ đã sống hạnh phúc với nhau. Phần 2 trong bài này có đề cập đến mối tình đẹp của Ngọc Thắng và Hana Oanh, bạn có thể đọc thêm nhé!!! Cám ơn bạn.