Người Chăm quan niệm, đời người có ba lần sinh và ba lần mất. Chào đời, dựng vợ gả chồng và rời xa trần thế. Mỗi lần sinh và mỗi lần mất như thế, theo tín ngưỡng, tập tục của đồng bào đều có những lễ thức, lễ nghi để trình bày với ông bà, tổ tiên và thần thánh chứng giám.

Ví dụ, khi chuẩn bị chào đời (lần sinh và lần mất đầu tiên), gia đình sẽ tổ chức các lễ như cúng bà mụ (tiếng Chăm gọi là Mâlieng muk buai), lễ Akhan prauk (cúng đầy tháng Palau Yang), … Lúc dựng vợ gả chồng, tùy theo tín ngưỡng của đạo Bàlamôn, Bàni, Hồi giáo Islam mà đồng bào sẽ có những lễ khác nhau. Đến lúc chết cũng vậy, cũng tùy theo tín ngưỡng mà đồng bào tổ chức khác nhau.

Quan niệm là một chuyện, nhưng để ràng buộc cá nhân mỗi người trong cộng đồng dân tộc, đồng bào còn hoàn thiện hệ thống những Luật tục, quy định nhằm hướng con người đi theo chuẩn mực xã, hội đạo đức.

Hệ thống Luật tục quy định những chuẩn mực xã hội đạo đức của đồng bào Chăm Ninh Thuận có rất nhiều. Nhưng quan trọng và cụ thể vẫn là những Luật tục về giao tiếp, ứng xử, đối xử trong gia đình, dòng tộc, cộng động và xã hội.

Tiêu biểu có thể kể đến một vài Luật tục như tang ma, cưới hỏi, hôn nhân, gia đình, phân chia tài sản, chức sắc tôn giáo, quyền bình đẳng, luật thi hành chung trong cộng đồng, trật tự, làng xóm … rất nhiều.

Nổi bật trong hệ thống Luật tục này thì Luật tục quy định hôn nhân và gia đình chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội và cộng đồng. Bởi lẽ, vì người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên nữ giới sẽ đi cưới nam giới, gái là nội tộc và bên trai là ngoại tộc. 

Vài nét tổng quan về Luật tục hôn nhân đồng bào Chăm Ninh Thuận

Theo quy định thì Luật tục Chăm chỉ thừa nhận chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, tuy nhiên, nếu hai người muốn kết hôn thì phải có sự đồng ý của cha mẹ và hai bên họ tộc.

Để được công nhận là vợ chồng, trước hết nhà gái phải làm các lễ như lễ dạm hỏi (luak panuec), lễ hỏi (ahar puec), lễ kết (ahar klaaoh panuec), và lễ cưới (ndam ndih anâk mâtwn hay nadam khah). 

Trong các lễ phải thực hiện này thì lễ cưới (lễ kết) đóng vai trò quyết định. Để thực hiện lễ kết, đại diện họ đàng trai và họ đàng gái sẽ cùng bàn bạc, thảo luận để thống nhất định ngày giờ tổ chức đám cưới.

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định
Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Lễ cưới là khâu cuối cùng, phải có sự tham gia đầy đủ của hai bên gia đình, tộc họ và làng xóm. Luật tục Chăm quy định sau lễ cưới chú rể phải ở nhà cô dâu ba ngày ba đêm theo phong tục thì lễ cưới đó mới có giá trị và được coi là bằng cớ hôn nhân.

Trong ba ngày đêm ba đêm đó, chú rể tuyệt đối không được về nhà mình cho dù nhà có gần đó. Trong trường hợp hai bên đã thống nhất ngày cưới trong lễ kết mà một bên không thực hiện  và không có lý do chính đáng thì Luật tục Chăm quy định phạt vạ. 

Cụ thể, bên vi phạm phải bồi thường danh dự bằng váy, áo và cặp vòng tay bằng đồng, kèm theo lễ vật trầu rượu để cúng tạ tổ tiên và thiết đãi họ hàng của người bị bãi hôn.

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định
Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Việc phạt vạ theo tập tục này chỉ là một thứ nhằm bắt đền phía bên hủy hôn. Nhưng sau câu chuyện phạt vạ thì lại khác. Người Chăm coi danh dự rất lớn. Người Chăm có câu nói: “Thà mất đôi trâu, đừng để mất danh dự”. Trong hôn ước cũng vậy, việc thất ước bãi hôn là vi phạm thuần phong mỹ tục để lại hậu quả là người con gái bị lỡ duyên sau này không ai lấy.

Đó là quy định trong sự cố hủy hôn. Còn khi hai bên đã thống nhất trong lễ kết, song chưa tới ngày mà trong họ của một trong hai bên có tang, hoặc trong họ tộc của một trong hai bên vừa tổ chức các lễ nghi lớn như lễ nhập kut, lễ múa lớn thì phải tạm đình chỉ hôn. Thời gian đình chỉ ít nhất là một năm.

Luật tục quy định là vậy. Nhưng để đôi trẻ mau đến được bên nhau, hai bên dòng tộc sẽ tổ chức cho cưới lén, tức là không tổ chức cưới chính thức mà chỉ cúng tổ tiên trong nhà. Điều này Luật tục cho phép và được cộng đồng công nhận.

Đến khi nào mãn hạng kiêng cữ thì nhà gái đem lễ vật (trầu rượu bánh trái) đến nhà trai cúng tạ lỗi với tổ tiên và thiết đãi họ hàng nhà đàng trai. Hôn nhân lúc này mới thật sự gọi là chính thức.

Quy định về độ tuổi khi kết hôn 

Luật tục về vấn đề hôn nhân, gia đình của đồng bào Chăm Ninh Thuận quy định rất rõ. Độ tuổi kết hôn với con gái là 16 tuổi, con trai 18 tuổi. Nếu chưa đạt đủ độ tuổi trên thì không được kết hôn. Quan trọng hơn, trước khi kết hôn thì cả trai và gái phải làm lễ trưởng thành (hay còn gọi là lễ nhập đạo, lễ cho gái là Kareh và lễ cho con trai gọi Katat).

Không những vậy, Luật tục Chăm không chấp nhận việc tảo hôn, đặc biệt là đối với người Chăm Hồi giáo Bàni và muốn làm lễ cưới phải có ngày do các tu sĩ cho.

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định
Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Người Chăm quan niệm rằng, khi chưa tới tuổi trưởng thành thì con người chưa phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, nên họ chỉ hành động theo cảm tính và tảo hôn sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc lứa đôi, ảnh hưởng tới việc sinh con sau này.

Điều này được thể hiện qua câu nói lưu truyền qua bao đời nay: “Vú chưa mọc khỏi ngực, nước mũi hỉ chưa sạch làm sao cho biết cuộc sống gia đình” mà “Thấy nước vội tắm, thấy gái vội yêu” và khẳng định: “Cưới nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Tảo hôn như thế khó mà sinh con”.

Những điều cấm trong hôn nhân, tuyệt đối không được thực hiện trong Luật tục Chăm

Trong hệ thống Luật tục của người Chăm về vấn đề hôn nhân và gia đình.  Các trường hợp như kết hôn với người cùng tộc họ mẹ, anh chị em họ song song; kết hôn giữa người chồng và người con riêng của vợ do lấy chồng trước mà có, và ngược lại vợ không được lấy con riêng của chồng do lấy vợ trước mà có; kết hôn với người khác dân tộc mình. Thì nhất định không được.

Cấm kết hôn với người tộc họ mẹ

Đầu tiên là kết hôn với người cùng tộc họ bên mẹ. Vì đồng bào Chăm theo chế độ mẫu hệ và tính theo huyết thống bên mẹ, nên việc phân biệt dòng họ này với dòng họ khác chính là  bằng nghĩa địa tộc họ mẹ. 

Cụ thể, trong phong tục của người Chăm theo đạo Bàlamôn thì một người từ 18 tuổi trở lên khi chết phải làm đám cháy theo, lấy 9 miếng xương trán rửa sạch cất vào lọ và cuối cùng những người cùng một dòng họ, một huyết thống bên mẹ thì xương trán đó sẽ được đưa vào nghĩa địa của dòng họ gọi là nhập kut.

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định
Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Với người Chăm theo Hồi giáo Bàni thì những người cùng huyết thống, dòng họ bên mẹ khi chết sẽ được chôn chung trong một nghĩa địa của dòng họ gọi là ghur. Những người khi chết sẽ nằm chung trong một nghĩa địa (kut hay ghur) là những người cùng một huyết thống, một dòng họ bị nghiêm cấm không được lấy nhau dù cách nhau mấy đời. 

Làm rõ thêm vấn đề, trong Luật tục Chăm viết rất rõ: “Người cùng dòng tộc cùng huyết thống, như con đập chảy thành nhiều sông. Như cổ tay, bàn tay có nhiều ngón, là cùng một bà mẹ sinh ra. Phải nhìn nhận cho thấy, để con cháu hạnh phúc mai sau”. Hay:“Cùng một tổ tiên. Cùng một dòng họ. Lấy nhau không được. Tội lắm người ơi”.

Cấm kết hôn với anh chị em họ song song

Cũng giống như như Kinh (người Việt), Luật tục Chăm cũng quy định là anh chị em họ song song tức là cấm kết hôn với con của chị em gái của mẹ hoặc con của anh em trai của cha mà người Chăm gọi là talei kamei, talei likei và anh chị họ chéo, tức là con của anh em trai cùng họ với mẹ, hay con của chị em gái cùng họ với cha mà người Chăm gọi là quan hệ “mik wa tada muen” (con cô, con câu).

Có thể nói, trong tất cả các Luật tục của đồng bào thì đây được xem là điều cấm  kỵ nhất. Bởi lẽ đồng bào cho rằng, người cùng họ, cùng huyết thống mà kết hôn với nhau thì hay xảy ra đau ốm cùng lúc, hay chết bất đắc kỳ tử hoặc chết chùm. 

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định
Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

So với những quy định trong tập tục của người Việt thì không khác một chút nào. Kết hôn mà trong họ hàng, có cùng huyết thống ba đời thì con cái sinh ra luôn bị đau ốm, họ hàng gặp nhiều điều xuôi. 

Càng rõ hơn, Luật tục Chăm còn viết để các dòng tộc lưu truyền qua các đời, nhằm mục đích luôn nhắc nhở hậu duệ: “Con của anh em trai sinh ra, cách nhau ít nhất ba đời mới được kết hôn với nhau; cùng dòng máu mà kết hôn với nhau, không sống đời ở kiếp với nhau, làm ăn vất vả, gian truân”.

Cấm kết hôn giữa người chồng và người con riêng của vợ do lấy chồng trước mà có, và ngược lại

Cấm kết hôn giữa người chồng và người con riêng của vợ do lấy chồng trước mà có, và ngược lại vợ không được lấy con riêng của chồng do lấy vợ trước mà có.

Nếu xảy ra điều này, Luật tục Chăm sẽ quy vào tội loạn luân. Để tránh xảy ra điều này, Luật tục Chăm thường nói rằng: “Con vật, cây cỏ còn biết gốc rễ, ngọn nguồn, huống chi là con người có tri giác, có óc suy nghĩ mà không biết mình từ đâu sinh ra”.

Ảnh: Photo Nguyễn hữu Định
Ảnh: Photo Nguyễn hữu Định

Để nhấn mạnh thêm vấn đề, Luật tục còn phân tích chi tiết hơn, người nào phạm tội loạn luân sẽ làm đất trời nổi giận, con người không ăn đời ở kiếp với nhau được. Không những thế, người cố tình phạm tội loạn luân còn làm cho đạo đức xã hội đảo lộn, suy đồi, xóm làng rối ren, thần linh nổi giận, gieo tai ương cho cả cộng đồng như mất mùa, đói kém và dịch bệnh.

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định
Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Qua những điều này, Luật tục muốn nhắn nhủ rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân và còn cả cộng đồng. Nếu mỗi cá nhân trong cộng đồng không tuân theo, một khi đã phạm tội loạn luân thì người vi phạm sẽ bị xử tội chết theo hình thức bỏ giỏ thả trôi sông. 

Minh chứng cho điều này, nội dung trong Luật tục Chăm viết chi tiết:“Cây có cội, nước có nguồn, con vật còn biết nhận nhau. Con người có tổ có tông có dòng có họ. Anh em một nhà xin đừng lấy nhau. Trời đất nổi giận, biển động sấm rền cây trên núi rung rinh. Anh không biết em, cha mẹ không biết con cái. Đất trời chuyển đổi, loài người diệt vong”.

Bài viết được tổng hợp từ sách “Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận” của tác giả Phan Văn Dốp – Phan Quốc Anh – Nguyễn Thị Thu, Nxb Nông Nghiệp.

Blogger Hiếu Tử

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *