Sau phần 1, phần 2 tiếp tục đề cập về những quy định về tang ma, lễ chôn (Ndam jap brah) lễ nhập Kut (Đam Kut) và những nghi thức của đồng bào trong trong tập tục làm tang ma.

Những quy định trong tập tục làm tang ma của đồng bào Chăm Bàlamôn Ninh Thuận

Cũng như đồng bào Chăm theo tín ngưỡng Bàni và Hồi giáo Islam, trong quá trình tổ chức tang ma của đồng bào Chăm Bàlamôn có những quy định bắt buộc phải tuân thủ. Cụ thể, …

Quy định về đẳng cấp

Một trong những điều có thể xem là sự quy buộc văn hóa trong tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Chăm theo Bàlamôn (Ahiér) từ xa xưa cho đến nay là vẫn còn những sự phân biệt về đẳng cấp với sự thể hiện rõ nét nhất trong tang ma.

Điều này có thể thấy rất rõ trong một tang ma của bất kỳ gia đình hay dòng tộc nào trong cộng đồng Chăm Bàlamôn. Sự đẳng cấp trong xã hội đối với một người khi mất được thể hiện qua cách thức và quy trình làm lễ tang khác nhau như lễ chôn, lễ hỏa táng “hai thầy”, lễ hỏa táng “bốn thầy”.

Như đã trình bày ở phần 1, lễ chôn thường được tổ chức nhỏ, theo đẳng cấp dòng tộc ( với người dưới 15 tuổi thì chỉ được làm lễ chôn và có thầy tham gia, quy mô tổ chức nhỏ). Riêng người chết trên 16 tuổi thì sẽ được xem xét theo đẳng cấp của dòng tộc để được làm lễ tang đầy đủ, nhưng lễ tang “hai thầy” hoặc “bốn thầy”.

Đó là người nằm trong độ tuổi 15 hay 16 tuổi. Còn với những người đã qua 16 tuổi, khi chết sẽ được hỏa táng (đám thiêu), và  cũng tùy theo đẳng cấp, cấp bậc trong đạo mà đồng bào sẽ làm một cái lễ đúng với quy định.

Quy định theo lứa tuổi

Như phần quy định theo đẳng cấp trong tập tục lễ tang của đồng bào phần nào đã nói rõ về quy định theo lứa tuổi. Cụ thể hơn, người chết nếu từ 16 tuổi trở lên được làm lễ tang đầy đủ, nhưng lễ tang “hai thầy” hoặc “bốn thầy”’. Riêng tu sĩ (Basaih) thì tùy thuộc vào dòng họ đẳng cấp cao hay thấp mà trong lễ có sự tham gia của nhiều thầy và tu sĩ cấp bậc trong hệ thống chức sắc tôn giáo Bàlamôn.

Người chết từ 15 tuổi trở xuống dù ở dòng họ nào cũng chỉ được làm lễ chôn, chỉ làm đám nhỏ, chỉ có một thầy làm lễ (ndam sa Basaih), hay còn gọi là ndam Jap bra. 

Quy định theo loại chết

Ngoài những quy định về nghi thức tang ma theo đẳng cấp, theo lứa tuổi, thì đồng bào người Chăm Bàlamôn con quy định bởi các loại chết. Người chết chết trong trường hợp nào, khi chết bao nhiêu tuổi, có vợ, có chồng hay có con chưa cũng được quy định chặt chẽ.

Qua những điều này có thể thấy, trong tín ngưỡng tập tục tang ma của đồng bào được quy định, tổ chức và thực hiện một cách chi tiết, rõ ràng. Đây là nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào qua hàng trăm năm lịch sử của dân tộc.

Những nghi thức trong đám tang của đồng bào Chăm Bàlamôn (Laik aia ba jalan)

Theo tập tục của đồng bào, một đám tang sẽ được diễn ra với các nghi thức gồm các lễ sau:

  • Lễ cho nước (Laik aia)
  • Lễ tắm rửa (Pamânei)
  • Lễ mặc áo, hay còn gọi là lễ đại liệm ( Pambeng anguei)
  • Đưa đi chôn (Ba jala) hoặc lễ hỏa táng (Ndam kut)

Trong bốn lễ này, thì Đưa đi chôn (Ba jala) hoặc lễ hỏa táng (Ndam kut) lễ lễ được làm cuối cùng và kỹ lưỡng nhất. Trong đó, thì lễ đưa đi chôn là được dành riêng cho người chết không lành, chết “không trọn vẹn” (mâtai bhaw). Để làm lễ này, người Chăm sẽ có những nghi thức riêng.

Nghi thức rửa tội, khâm liệm và tang ma nhìn chung cũng giống như lễ hỏa táng, nhưng lại có những điểm khác biệt. Cơ bản là hình thức và nội dung đơn giản. Lễ này chỉ có một thầy Basaih làm chủ lễ.

Lễ chôn gửi hay lễ chôn tạm. Người Chăm Bàlamôn thuộc “dòng thiêu” nhưng do chết không “trọn vẹn”, thì không được làm lễ hỏa táng ngay mà phải “chôn gửi” một thời gian (thời gian “chôn gửi” và đào lên do Po Adhia định, tùy thuộc vào tuổi, ngày sinh, ngày tử của người chết, khi nào ông Po Adhia chọn ngày làm lễ hỏa táng mới được làm.

Cũng có trường hợp gia đình người chết do nghèo quá chưa có tiền làm lễ hỏa táng cũng phải đem đi chôn gửi, khi nào có điều kiện thì mới làm lễ hỏa táng.

Nghi thức chôn gửi đơn giản vì đây chưa được coi là nghi lễ tang ma. Sau khi làm lễ rửa tội, lễ trừ ma quỷ do chết không “trọn vẹn”, ông thầy làm lễ khâm liệm và đem thi hài đi chôn tạm. Khi chôn tạm, ông thầy Cả sư xem tên tuổi người chết và định ngày đào hài cốt lên làm lễ hỏa táng.

Lễ hỏa táng (Ndam cuh)

Mặc dù trong tang lễ của người Chăm Bàlamôn có những quy định chặt chẽ về loại chết, lứa tuổi, đảng cấp, … nhưng nhìn chung, các nghi lễ dù lớn hay nhỏ, dù lễ tang do “hai thầy” hay lễ tang do “bốn thầy” Basaih làm lễ đều có những điểm giống nhau.

Việc là lễ hỏa táng phải có nhà lễ. Nhà lễ này được làm theo những quy định bắt buộc của lễ “bốn thầy”, ngoài hai mái làm như nhà lễ đám chôn, còn có một mái phía trước gọi là “traom” giống như nhà tục của đồng bào Chăm. Nhà lễ bao giờ cũng có 9 cột chính.

Trong lễ hỏa táng, các chủ lễ thực hiện các tiểu lễ sau:

  • Lễ cúng khấn mời thần linh (Mâlieng yang).
  • Lễ tẩy uế (Ricaow taleh, Rayiap).
  • Lễ khấn gò mối (Po yang Katuec).
  • Lễ ăn cơm phong tục (Pathen pabah).

Trong lễ hỏa táng có sử dụng các lễ vật (gọi là panoja) rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên phải phải tuân thủ theo một quy định chặt chẽ, nhất quán. Số lượng, chất liệu các lễ vật thờ và dâng cúng phụ thuộc vào từng lễ thức và thần linh cầu cúng. 

Trong lễ hỏa táng và trong đám tang nói chung, lễ vật dâng cúng chủ yếu là trầu cau, rượu, nước, lửa đốt trầm, muối, nến làm bằng sáp ong.

  • Lễ mặn gồm có thịt gà, trứng gà, cá. canh dọc môn, trái chuối hột non và giá đậu sống. 
  • Lễ ngọt (chay) có bánh trái, chuối, chè. Điểm đáng lưu ý là trong những ngày lễ và 30 ngày sau, chức sắc và những người trong tộc họ kiêng không được ăn thịt những động vật đẻ con, chỉ được ăn những động vật đẻ trứng và phải kiêng ăn rau quế và các loại cà trái.

Có một điều thấy rất rõ trong các lễ thức của người đồng bào Chăm là xuất hiện nhiều lần trầu, cau, rượu và trứng. Trầu và cau là lễ vật phổ biến của các sư dân nông nghiệp Đông Nam Á. Cách têm trầu, cau khác nhau tùy theo ý nghĩa của từng lễ thức.

Sau khi chuẩn bị các lễ vật, việc diễn ra các lễ sẽ được thực theo một trình diễn ra trong bốn ngày:

  • Ngày thứ nhất (Ngày làm lễ Harei pahnuak “lễ cho ăn”).
  • Ngày thứ hai (Ngày nghỉ – chỉ có ban nhạc hát tang ca).
  • Ngày thứ ba (Thực hiện lễ chém cây “Tak Kuyuw”, lễ này có thể liên tưởng như lễ phát mộc của người Việt).
  • Ngày thứ tư (Hỏa táng “Ndam cuh”, người Chăm còn gọi là “Pagé édak”, nghĩa là hỏa táng vào buổi sáng).

Theo quy định, lễ được bắt đầu  vào lúc 6 giờ sáng. Sau gần hai giờ hát thánh ca, người ta khiêng hài cốt ra bãi hỏa táng. Khoảng 10 giờ, chiêng trống nổi lên, con cháu, người thân đến nằm lạy trước Cakung khóc lóc thảm thiết (chỉ những người ở cai dưới người chết mới lạy).

Khi hài cốt đã đưa vào đòn khiêng, ông thầy để cây gỗ có dán hoa văn đè lên hài cốt. Người nhà xếp tất cả quần áo, đồ đạc dành cho người chết lên đó. Đi được nửa đường, mọi người phải dừng lại làm thủ tục quay đầu cho người chết rồi mới khiêng người chết lên giàn hỏa thiêu.

Trong lúc lửa đang cháy nghi ngút, người ta dùng cây rựa cán dài lấy đầu người chết ra. Hai người mang đầu ra một cái lán nhỏ ở góc bãi để đục. Người ta dùng rựa để chặt lấy 9 mảnh xương trán mài thành hình tròn, đường kính khoảng 1cm cho vào hộp klaong để sau này làm lễ nhập kut.

Lễ nhập Kut (Ba talang tamâ Kut)

Kut là nghĩa địa của dòng tộc theo họ mẹ của người Chăm Bàlamôn. Kut rất linh thiêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. 

Người Chăm tin rằng Kut là nơi ông bà tổ tiên hóa thần, có một quyền năng siêu hình, có thể che chở, ban phúc lộc, giải trừ nghiệp chướng cho con cháu trong dòng tộc và vì vậy con cháu phải có trách nhiệm làm lễ nhập kut và thờ phụng tổ tiên thật chu đáo, đúng phép tắc lễ nghi. Vì vậy, dù khó khăn đến mấy, gia đình và họ tộc cũng phải góp công vào để lo cho bằng được một kut.

Lễ dựng Kut – lập Kut mới (Padeng Kut)

Địa điểm dựng Kut phải được ông Cả Sư xem xét và quyết định. Lễ vật trong lễ dựng Kut này gồm trứng gà, rượu, trầu cau. Dòng tộc làm lễ cúng tổ tiên, chủ lễ phải là bà bóng của dòng họ (Muk Rija).

Lễ nhập Kut (Ba talang tamâ Kut)

Lễ nhập Kut là lễ nhập xương trán của người chết vào nghĩa địa, thường được tổ chức vào các tháng 3, 6, 8, 10 và 11 Chăm lịch. Sau khi trong tộc họ đã hội đủ khoảng từ 15 đến 20 hộp, có khi cả trăm hộp xương (klaong) của người trong tộc họ đã quá cố thì trưởng họ mời các gia đình họp lại bàn về thời gian cũng như điều kiện vật chất để làm lễ nhập Kut cho cả tộc họ.

Trong lễ nhập Kut có rất nhiều tiểu lễ. Theo quan niệm của người Chăm, trong nghi lễ tang ma, chỉ đến khi làm lễ nhập Kut kết thúc, linh hồn người chết mới nhập xong về với tổ tiên nên mới có màn múa mừng, cũng có nghĩa là nghi lễ tang ma đến đây mới kết thúc.

Những đêm nhập Kut, mọi người thường đánh trống, kéo đàn, hát và nhảy múa vui vẻ thâu đêm. Những người phụ nữ dọn cơm cho tất cả mọi người ăn cộng cảm.

Lễ mở cửa Kut

Đúng một năm sau, tộc họ lại mời Basaih đến làm lễ mở cửa Kut (peh babeng Kut). Linh hồn người chết coi như đã về với tổ tiên, coi như đã hóa thần và về xứ sở ông bà (nao nâgar muk kei).

Nhật ký hành trình: “Khám phá văn hóa Chăm Ninh Thuận”.

Nguồn: Bài viết dựa theo tư liệu sách “Văn hóa Phi vật thể người Chăm Ninh Thuận”, Nxb Nông Nghiệp; và quá trình tìm hiểu thực tế.

Ảnh Jamen Ivan

Blogger Kafin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *