Cũng như đồng bào Chăm theo tín ngưỡng Bani giáo và Hồi giáo Islam. Đồng bào Chăm theo Bàlamôn giáo rất coi trọng những tập tục với các nghi thức, nghi lễ gắn liền với cuộc đời của mỗi người. Và một trong số đó chính là tập tục tang ma với nhiều nghi thức, nghi lễ quan trọng thể hiện tính suy tôn tín ngưỡng của đồng bào trong cuộc sống văn hóa thần linh với tổ tiên, ông bà và bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đôi nét về tập tục làm tang ma của đồng bào Chăm Bàlamôn Ninh Thuận

Theo quan niệm của đồng bào, đời người có ba lần sinh và ba lần tử. Lần sinh đầu tiên chính là lúc chào đời (đây cũng là lần tử đầu tiên). Lần sinh thứ hai chính là lúc cưới vợ, cưới chồng (đây cũng là lần tử thứ 2). Và lần sinh thứ 3 chính là lúc về với đất mẹ (đây cũng chính là lần tử thứ 3).

Trong ba lần sinh và ba lần tử này, thì lần nào cũng được đồng bào ấn định dấu mốc với những nghi thức và nghi lễ theo tín ngưỡng và tập tục của dân tộc. Riêng, lần sinh thứ ba thì được tổ chức quan trọng hơn cả, vì đây là lúc kết thúc cuộc đời con người ở trần gian để về với cõi vĩnh hằng bên tổ tiên, ông bà và thần thành.

Theo đó, cách thức tổ chức một tang lễ của đồng bào Chăm Bàlamôn được diễn ra theo nhiều bước với nhiều nghi thức và nghi lễ khác nhau. Từ nghi lễ khấn thần, lập bàn thờ tổ cho đến nghi thức hưởng lễ vật để khởi động cuộc lễ và nhập Kut (nghĩa trang dòng họ mẹ – chế độ mẫu hệ của đồng bào qua hàng thế kỷ). Cụ thể, các nghi thức, nghi lễ  được tổ chức trình tự như sau:

  • Mưlieng yanf (Khấn thần): Yang Po Yang Amư, Po Inư Nưgar, Po Pan.
  • Rơp Sanai (Lập bàn tổ).
  • Ricauw talơh (Nghi thức tẩy uế).
  • Ew Yang Katwơc (Khấn gò mối).
  • Pathơn pahah (Hưởng lễ vật để khởi động cuộc lễ). Trong lễ này, người Chăm Bàlamôn còn chuẩn bị mời  Ong Hơng (người lo nhà táng – gọi là Sang swơr), Po Damưn – đại diện chủ đám ở trong nhà, Muk buh – Bà điều hành mâm lễ, Pok lisei – Cháu bưng cơm.
  • Đám tang chính thức.
  • Ba talang tamư kut – Lễ nhập Kut mới là chuyển về nhà cuối cùng để một sinh linh Chăm hòa nhập với tổ tiên.

Đây là quy trình các bước tổ chức các nghi thức và nghi lễ trong một đám tang của đồng bào.Thông qua những nghi thức, nghi lễ trong tập tục làm tang ma cho người chết, đồng bào lại có sự phân chia theo lứa tuổi, theo đẳng cấp và theo loại chết để làm một tang lễ theo từng hình thức tổ khác nhau. 

Chết theo lứa tuổi

Chết theo lứa tuổi là cách để phân biệt người chết đã đến tuổi thành niên, đã gia nhập đạo của đồng bào hay chưa. Thường thì đồng bào sẽ dùng tuổi 15 hoặc 16 để làm sự phân biệt về điều này. 

Ví dụ, người mất theo lứa tuổi, nếu chết dưới 15 tuổi thì đồng bào sẽ làm lễ Đam Jap brah, một nghi lễ theo hình thức để thân xác theo cát bụi, tức nghĩa là làm đám tang theo hình thức địa táng (chôn). Thường đám kiểu này tổ chức lễ nhỏ, đơn giản, không có tu sĩ làm lễ.

 Người đúng 15 tuổi thì làm Đam Jap Brah, tức là đám nửa phần. Cũng như Đam Jap brah, nhưng trong lễ có 1 tu sĩ cấp baseh phục vụ. 

Qua tuổi 15, chính xác là đúng hoặc từ 16 tuổi trở lên thì đồng bào mới tổ chức Đam bak bauh (tức là đám toàn phần). Khác với người mất dưới 15 tuổi hay đúng 15 tuổi, người mất trên 16 tuổi sẽ được tổ chức đầy đủ với các nghi lễ như đã kể trên.

Đám tang theo đẳng cấp

Khác với đám tang theo lứa tuổi (thường để chỉ cho những người không theo con đường tu đạo), đám tang theo đẳng cấp là sự phân chia rõ ràng giữa người dân bình thường và tu sĩ. Tuy nhiên, khi còn thời phong kiến thì tục làm lễ tang theo người chết được phân biệt theo tầng lớp nông nô, nông dân, tu sĩ và hoàng tộc.

Tuy nhiên ngày nay, đáng tang theo đẳng cấp được phân chia cụ thể theo hai dạng, đám tang Đam Jap brah và Đam kut. Trong đó, Đam Jap brah dành cho người là tầng nông nô (nay gọi là người bình thường, hiện có 3 làng theo lệ này, gọi là Cam dar, Cam baung). Đam kut, tức là đám thiêu, tức dành cho những người là tu sĩ, có cấp bậc trong dòng tộc). Tuy nhiên, Đam kut cũng tùy đẳng cấp chia làm 2 dòng: Dòng 4 baseh dành cho giới tăng lữ và dòng họ quý tộc, dòng 2 baseh dành cho thành phần còn lại.

Đám tang theo loại chết

Đám tang theo loại được hiểu là chết lành hoặc chết không lành.   Chết lành gọi là Mưtai siam thì thi thể người chết có thể đợi ngày tốt làm đám thiêu luôn. Còn chết không lành là phải đi gửi tạm Ba nau paywa (nơi nào đó gần kut)trước rồi mới cải táng làm đám thiêu. 

Khác với kiểu chết theo lứa tuổi và đẳng cấp, kiểu chết không trọn vẹn được đồng bào quan niệm là đã thành ma, cho nên, người Chăm thường có lễ Ikak dhaung – buộc dao cho người có tuổi hấp hối, để họ chết đúng ngày.

Sau đó, đồng bào sẽ làm một cái lễ gọi là Ba nau paywa (Đám chôn tạm). Việc tổ chức lễ này gồm các nghi thức đơn giản, chỉ là gửi tạm. Có thể chôn trong ngày hay qua một tối. Khoảng một năm trở lên, sau khi thi hài bị phân hủy phần thịt, đúng ngày lành tháng tốt, người Chăm cải táng làm đám thiêu.

Cách thức tổ chức đám tang lớn và nhỏ của đồng bào Chăm Bàlamôn Ninh Thuận

Cũng như các dân tộc khác, đồng bào khi tổ chức đám tang cho người chết sẽ làm theo quy mô lớn nhỏ khác nhau. Này gọi là đám tang lơn và đám tang nhỏ.

Đám tang lớn gọi là Đam cuh praung (thường tổ chức với 4 sĩ cấp baseh). Để làm đám tang lớn, thân nhân sẽ chuẩn bị các lễ vật để làm lễ Mưlieng Yang (Mời thần), Ricauw talơh (Nghi thức tẩy uế), Ew yang Katwơc (Cúng Gò mối) và Pathơn pabah (Nghỉ thử xúc miệng).

Quá trình diễn ra tang lớn trong vòng 4 ngày, từ thứ Tư đến thứ Bảy  hoặc từ Chủ nhật đến thứ Tư. Cụ thể, …

  • Ngày 1: Thực hiện nghi thức lễ cho ăn (Harei pahwak). Buồi tối thực hiện lễ trừ tà (Nau glai – đi rừng).
  • Ngày 2: Nghỉ.
  • Ngày 3: Thực hiện lễ xẻ cây (Tk kayuw).
  • Ngày 4: Thực hiện lễ thiêu (Harei cuh).

Sau khi thực hiện đầy đủ các lễ trong 4 ngày, người chết sẽ được thân nhân trong nhà làm giỗ (gọi là Patrip). Việc làm giỗ này giống hệt hoàn toàn với tập tục giỗ của người Việt theo tín nguỡng văn hóa thờ ông bà tổ tiên, chỉ khác về cách thức tổ chức và thời gian làm. Cụ thể, Trình tự các giỗ của đồng bào gồm:

  • Giỗ 3 ngày (Tadhi bak kluw), người Việt gọi là mở cửa mã.
  • Giỗ đầy tháng (Patrip bak bilan).
  • Giỗ đầy năm (Patrip bak thun), người Việt gọi giỗ 3 tháng 10 ngày.
  • Giỗ ba năm (Patrip kluw thun), người Việt gọi là mãn tan.
  • Giỗ mừng (Patrip on).
  • Giỗ tiễn (Patrip palau).

Sau khi kết thúc các giỗ này, thân nhân sẽ chờ đến một dịp thích hợp nào đó để làm Tamư kut – tức là nhập kút.

Khác với đám tang lớn, đám tang nhỏ (Đam cuh xit) chỉ tổ chức với tu sĩ cấp  2 baseh. Quá trình diễn ra cũng như đám tang lớn.

Quy trình tổ chức lễ nhập Kut của đồng bào Chăm Bàlamôn

Nếu Bimong, Kalan được dựng lên để thờ thần, hay các vị vua – thần, thì kut chính là nơi thờ tự tổ tiên Chăm, từ cấp baseh cho đến tầng lớp trí thức hay dân thường. 

Kut là nơi thờ tự dòng họ tổ tiếng với tất cả thành phần trong dòng tộc từ tu sĩ cấp baseh cho đến tầng lớp trí thức hay dân thường. Khác với đồng bào Chăm theo tín ngưỡng Hồi giáo Islam và Bàni giáo, nghĩa trang gọi là Ghur, thì với đồng bào Chăm theo tín ngưỡng Bàlamôn. 

Người Chăm thờ phụng theo dòng họ mẹ. Dòng họ lập kut và cúng tế cho đến người nữ cuối cùng mất đi, khi đó kut trở thành kut hoang (kut bhaw). Thông thường, Kut Chăm được đặt cạnh làng hoặc một nơi đất trống thuận tiện về đường đi. Trong kut  gồm dãy bia bao gồm năm, bảy hay chín bia kut. 

Vì là nơi quan trọng của đồng bào khi về đất mẹ, nên việc xây kut được đồng bào cực kỳ coi trọng, nhất là về vật liệu xây dựng và hướng phong thủy. Ví dụ, đá dùng để xây kut patuw kut phải có nhiều loại, khi xây phải xây theo các kiểu dưới đây: 

  • 3 tảng: trong đó tảng cao nhất là Po Inư Nưgar đặt ở giữa,  tảng hướng đông dành cho nam, tay dành cho nữ.
  • 5 tảng: Bố trí như 3 tảng trên nhưng thêm 2 tảng hướng tây, dành cho nam và nữ chết xấu.
  • 6 tảng: thêm một hướng đông dành cho người trong họ là chức sắc Bàlamôn.
  • 7 tảng: thêm tảng cho người làm tướng.
  • 9 tảng: trong đó có một tảng dành cho người dưng (tức người không phải trong gia đình).

Có một điều đặc biệt là lễ nhập kut của đồng bào Chăm theo Bàlamôn là 15 đến 20 năm mới làm một lần. Nói chính xác hơn là khi trong họ đã hội tụ đủ Klaung – một hộp đựng 9 miếng xương và khi có điều kiện kinh tế mới làm. Tháng nhập kut cũng phải tuân thủ, phải  là tháng Ba, Sáu, Tám, Mười và Mười một Chăm lịch.

Klaung được lấy từ nơi cất giấu (thường ở cạnh rừng) về, thờ trong nhà từ thứ Bảy đến thứ Hai. Sáng thứ Hai, klaung được mang đến tập trung tại nhà “từ đường” và mời thầy về tẩy uế, phân loại.

Sáng thứ Ba, tất cả được tập trung về nhà trưởng tộc rồi hướng về đất kut. Klaung được đặt lên mâm lễ có lễ vật, thầy Cà làm lễ từng mâm một. Buổi tói Po Adhia làm lễ đưa tất cả klaung vào dưới bia kut, có Muk Pajuw và Ong Kadhar hát phục vụ lễ. 

Thời điểm chuyển klaung từ đêm hôm trước sang ngày hôm sau, chủ lễ Cả sư Bàlamôn và các phụ lễ làm thao tác rất kín đáo nơi trung tâm là có hàng bua kut. Hàng bia này trước đó được giở hết lên để lộ hố sâu. Đại diện chức sắc cho hết miếng xương từ các klaung vào hố ấy. Sau đó họ phủ bên trên một lớp cát trắng, rồi đắp bia kut lại như cũ.

Sau lễ nhập kut, họ hàng thường ở lại suốt đêm hôm đó vừa múa hát vừa nói chuyện đến sáng hôm sau. Po Adhia làm lễ tẩy uế các bia kut. con cháu nằm lạy đưa tiễn người quá cố lần cuối cùng. Sau lễ nhập kut khoảng một năm, người trong họ phải chịu nhiều kiêng cữ, khi thầy paseh làm lễ Pơh babnơng kut, tất cả linh hồn được hóa kiếp, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. 

Xem thêm: BÍ QUYẾT đặt phòng Phan Rang UY TÍN, GIÁ RẺ, TỐT NHẤT THỊ TRƯỜNG

>>> To be continued

Nhật ký hành trình: “Khám phá văn hóa Chăm Ninh Thuận”

Nguồn: Bài viết dựa theo tư liệu sách “Văn hóa Phi vật thể người Chăm Ninh Thuận”, Nxb Nông Nghiệp; và quá trình tìm hiểu thực tế.

Blogger Kafin and Blogger Hiếu Tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *